Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Lãi suất đô la tăng, vì sao?
2011-01-28 09:56:12

Giới kinh doanh tiền thường không đi sau thị trường và họ nhìn ra những góc khuất của thị trường rất nhanh. Việc tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ hai tuần gần đây của các ngân hàng là động thái đưa những góc khuất đó ra công khai.

 

 

Sau khi lên đến 21.600 đồng/đô la Mỹ, từ đầu tháng 12-2010 tỷ giá thị trường tự do bắt đầu giảm. Từ giữa tháng 12 trở đi tỷ giá này tuy có lên xuống theo giá vàng do việc gom đô la mặt nhập vàng lậu, nhưng nó tạm ổn định quanh mốc 21.000 đồng/đô la Mỹ.

 

 

Đã có những kỳ vọng tỷ giá thị trường tự do sẽ còn giảm nữa do kiều hối về nhiều dịp cuối năm, do Việt kiều về ăn Tết và khách du lịch tăng. Nhưng ngay khi rớt xuống dưới mốc trên khoảng 30-50 đồng/đô la Mỹ, tỷ giá thị trường tự do lại bật tăng trở lại. Rõ ràng mốc 21.000 đồng là khá cứng và giới ngân hàng dễ dàng nhận ra điều này.

 

 

Quá trình biến động của tỷ giá thị trường tự do diễn ra song song với sự gia tăng của lãi suất tiền đồng. Việc áp trần huy động đồng nội tệ không được vượt quá 14%/năm là một rào chắn đơn phương, vì lãi suất cho vay tiền đồng, huy động và cho vay ngoại tệ lại gần như được thả nổi. Đặc biệt không có một văn bản pháp quy nào quy định trần lãi suất tiền gửi và cho vay ngoại tệ.

 

 

Lãi suất cho vay đồng Việt Nam hiện nay phổ biến ở mức 18%/năm, cho vay tiêu dùng tới 19%, thậm chí 20%/năm, trong khi lãi suất đầu ra ngoại tệ là 6-7% và cao là 8%/năm. Như vậy chênh lệch lãi suất đầu ra của tiền đồng - ngoại tệ đang ở mức 10-14 điểm phần trăm/năm. Đây là mức chênh lệch cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Góc khuất thứ nhất của tiền tệ đang nằm ở điểm này.

 

 

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và thị trường vẫn còn ở mức 1.500 đồng/đô la Mỹ. Nói cách khác tỷ giá ngoài ngân hàng cao hơn trong ngân hàng 7,7%. Giả sử sau Tết mức chênh lệch này được thu hẹp nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, thì liệu nó có mất hẳn, tức tỷ giá trong - ngoài ngang nhau không? Xóa bỏ mức chênh lệch 7,7% ngay một lúc, một lần là chuyện khó. Đây là góc khuất thứ hai của thị trường tiền tệ.

 

 

Bây giờ, thí dụ, một ngân hàng huy động được 1 triệu đô la Mỹ và đem chuyển đổi ra tiền đồng sẽ có được 21 tỉ đồng. Đem 21 tỉ đồng đó cho vay, ngân hàng được hưởng chênh lệch lãi suất đô la - đồng và chênh lệch tỷ giá chính thức - thị trường tổng cộng khoảng 20%/năm. Siêu lợi nhuận! Rủi ro tỷ giá trong 3-6 tháng trước mắt là không có do tổng mức chênh lệch 20%/năm là một cái neo “bảo hiểm” tương đối an toàn.

 

 

Sự chênh lệch trên đã tồn tại từ tháng 12, tại sao đến bây giờ các ngân hàng mới tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ? Họ cần thời gian để quan sát biến động tỷ giá thị trường tự do, tỷ giá liên ngân hàng, động thái của Chính phủ sau khi tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá chính thức đến Tết Âm lịch và nhất là nhu cầu tiền đồng. Chỉ đến khi tỷ giá thị trường tự do tạm ổn ở 21.000 đồng, lãi suất tiền đồng chưa thể giảm ngay và tỷ giá liên ngân hàng dao động quanh 20.800 đồng/đô la Mỹ, lãi suất huy động ngoại tệ mới được tăng lên.

 

 

Ngoài ra khi mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng ở mọi ngân hàng như nhau, các ngân hàng nhỏ sẽ không thể cạnh tranh với những ngân hàng lớn. Để đảm bảo thanh khoản, ngân hàng nhỏ phải huy động đô la, đổi ra tiền đồng hoặc dùng đô la để thế chấp vay vốn tiền đồng.

 

 

Trên thực tế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ tuy có tăng nhưng chưa đến mức báo động, khoảng 1-1,5%/năm là do các ngân hàng phải duy trì trạng thái ngoại hối ở mức 30% tổng vốn huy động (nếu ngân hàng huy động 10 đồng, thì có thể có tối đa 3 đồng bằng ngoại tệ). Mặt khác, cũng không thể đẩy lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên cao quá, vì như thế sẽ làm tăng giá thành huy động vốn trong bối cảnh lãi suất cho vay ngoại tệ khó tăng. Một điểm nữa là hiện dư nợ ngoại tệ đang rất lớn. Nếu tiếp tục tăng tín dụng ngoại tệ sẽ rủi ro về lâu dài.

 

 

Lãi suất huy động ngoại tệ tăng gây ra hệ lụy gì? Thay vì nắm giữ tiền đồng, người dân sẽ chọn giữ ngoại tệ. Tình trạng đô la hóa sẽ không giảm đi. Điều này đến lượt nó gián tiếp đẩy cầu ngoại tệ tăng và gây cản trở cho việc rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và thị trường. Hơn nữa, nó tạo ra sự phân cách ngày càng lớn giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Thay vì chạy đến Ngân hàng Nhà nước để nhận sự giúp đỡ nếu thanh khoản khó khăn, các ngân hàng nhỏ chạy qua ngân hàng lớn. Vô hình trung các ngân hàng nhỏ đã tự biến mình thành các vệ tinh xoay quanh ngân hàng lớn. Từ đây cơ chế “đầu nậu” lãi suất sẽ càng trầm trọng.

 

 

Vai trò định hướng thị trường của chính sách đang tỏ ra mờ nhạt! Đã đến lúc cần áp dụng một loạt các giải pháp tổng thể, có khả năng bổ trợ lẫn nhau, để tháo gỡ vấn đề tỷ giá và lãi suất một cách căn bản, không thể cứ đưa những biện pháp “giật gấu vá vai”, mang tính chắp vá, đối phó và chạy theo thị trường.

 

 

Theo TBKTSG

 

 





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
4,567.204,237.20
1oz ABC Bullion Cast Bar
3,800.303,490.30
100g ABC Bullion Bar
12,125.5011,245.50
1kg ABC Bullion Silver
1,585.801,235.80
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 35
  • Truy cập hôm nay: 636
  • Lượt truy cập: 8257791